Tin tức

HỆ THỐNG ĐƯỜNG CAO TỐC VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2025

Hạ tầng giao thông đất nước chuyển mình từng ngày, những tuyến cao tốc dần được nối dài từ Bắc vào Nam, từ Đông sang Tây lắp dần các mảnh ghép để hình thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh.

he-thong-duong-cao-toc-viet-nam-den-nam-2025-uu-tien-phat-trien-truc-ngang

Hệ thống đường cao tốc Việt Nam đến năm 2025 ưu tiên phát triển trục ngang. Đồ họa: TẤN ĐẠT

 

Người dân đã dần quen với thông tin khánh thành các đường cao tốc Bắc - Nam, nâng tổng số km đường cao tốc trục dọc Bắc - Nam lên 950km. Nhưng nay, cũng là làm đường cao tốc lại rất khác, đó là thay vì làm trục dọc hướng Bắc - Nam thì làm đường cao tốc trục ngang, đường vành đai để kết nối các địa phương và trục cao tốc Bắc - Nam.

 

Đi lại thuận lợi với đường cao tốc trục ngang

 

Sau khi cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188km đi qua bốn địa phương An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng (là tuyến trục ngang đầu tiên tại ĐBSCL) được khởi công, dự kiến tuần này, cao tốc Cao Lãnh - An Hữu dài 27km nối cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh và cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cũng được khởi công.

 

Đây là đoạn thuộc tuyến trục ngang cao tốc Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Trà Vinh. Còn tuyến cao tốc trục ngang Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu hiện Bộ Giao thông vận tải đã giao Ban quản lý dự án Mỹ Thuận nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm, khu vực ĐBSCL đã được hoạch định đến năm 2050 có 1.188km/9.014km của cả nước, được phân bố đồng đều với ba trục dọc và ba trục ngang. Đến thời điểm này đã hoàn thành đưa vào khai thác 90km, hiện đang triển khai thi công và đến năm 2025 cơ bản hoàn thành thêm 458km.

 

"Như vậy, đến năm 2025, ĐBSCL có khoảng 548km đường bộ cao tốc", ông Lâm nói.

 

Ở khu vực Đông Nam Bộ, tuyến đường vành đai 3 TP.HCM sẽ kết nối với năm tuyến cao tốc hướng tâm. Chẳng hạn đường vành đai 3 TP.HCM kết nối và sẽ phát huy hiệu quả cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Đây là tuyến đường ngắn nhất kết nối TP.HCM với Campuchia. Hiện tỉnh Tây Ninh cũng được giao triển khai cao tốc Gò Dầu - Xa Mát để nối dài cao tốc Mộc Bài.

 

Còn tuyến Bến Lức - Long Thành sau khi được tháo gỡ khó khăn cũng bắt đầu triển khai thi công lại một số gói thầu. Cách đây vài hôm, lãnh đạo UBND TP.HCM cùng lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã đi khảo sát để chuẩn bị triển khai cao tốc TP.HCM - Chơn Thành.

 

Hệ thống đường cao tốc Việt Nam đến năm 2025 ưu tiên phát triển trục ngang Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài hơn 100km đi qua địa bàn tỉnh Bình Thuận  - Ảnh: ĐỨC TRONG

 

>> Xem thêm:

11 tuyến thành phần Cao tốc Bắc - Nam đi qua những tỉnh nào?

Chi tiết cao tốc 7.293 tỉ Nghi Sơn - Diễn Châu dự kiến về đích trong tháng 7

Nối với "động mạch chủ"

 

Chuyên gia giao thông Nguyễn Ân nói cao tốc trục dọc Bắc - Nam được ví như động mạch chủ, còn cao tốc trục ngang như mạch máu. Sự kết hợp hoàn hảo trục ngang - dọc như đường "xương cá" sẽ làm tăng hiệu quả đầu tư tuyến trục dọc.

 

"Trong bối cảnh ngân sách có hạn, cần chọn làm trước những vị trí trục ngang kết nối dự án trọng điểm, kết nối các đô thị hạt nhân, đầu tàu để phát huy hiệu quả kinh tế. Khi ngân sách hạn chế, cần thu phí mới có thể lấy tiền nuôi đường, đầu tư thêm các đường cao tốc khác", ông Ân nói.

 

TS Phạm Hoài Chung, phó viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển (Bộ Giao thông vận tải), cho rằng ngoài cao tốc, miền Nam còn có hệ thống đường thủy nội địa rất lợi thế. Khai thác song hành được cả giao thông thủy - bộ thì rất tuyệt, giúp chi phí logistics thấp, hàng hóa có tính cạnh tranh cao.

 

Đánh giá cao tầm quan trọng của quy hoạch giao thông trục ngang, KTS Trần Ngọc Chính, chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nhận định trục giao thông Bắc - Nam đã tương đối hoàn chỉnh qua quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc - Nam cũng đang hoàn thiện, nhưng tuyến Đông - Tây vẫn thiếu. Có cao tốc thì hàng hóa, đi lại sẽ nhanh chóng thuận tiện từ biên giới ra biển, giúp đô thị dọc tuyến phát triển theo.

Hệ thống đường cao tốc Việt Nam đến năm 2025 ưu tiên phát triển trục ngang Chiều dài cao tốc cả nước đang có và tương lai

Chiều dài cao tốc cả nước đang có và tương lai. Đồ họa: Tấn Đạt

 

Địa phương nhập cuộc làm đường cao tốc

 

Nhìn các dự án cao tốc khởi công vài ngày gần đây cho thấy sự nhập cuộc mạnh mẽ của các địa phương khi được giao triển khai các dự án cao tốc. Chỉ sau một năm được Quốc hội thông qua, các địa phương đã chuẩn bị đủ các điều kiện khởi công, thay vì thông thường như trước đây phải mất hai năm.

 

Như cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được giao cho bốn địa phương An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Hay dự án đường vành đai 3 TP.HCM do bốn địa phương TP.HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai triển khai. TP.HCM lần đầu tiên được giao làm cơ quan điều phối chung toàn dự án đi qua nhiều tỉnh thành.

 

TS Phạm Hoài Chung đánh giá việc phân cấp giúp huy động được nguồn lực tổng thể từ tài chính, công tác tổ chức thực hiện. Ví dụ như tuyến đường vành đai 3 TP.HCM giao về địa phương thì công tác mặt bằng rất nhanh. Nguồn nguyên vật liệu các địa phương cũng phối hợp trơn tru.

 

Còn theo KTS Trần Ngọc Chính, quy hoạch thì trung ương, thiết kế thì Bộ Giao thông vận tải, nhưng khi làm nên chia từng khu vực cho địa phương. Sự phân cấp còn tạo thi đua giữa các tỉnh thành. Khó khăn địa phương cũng xử lý nhanh, không gây vướng một điểm là làm chậm cả dự án.

 

Nguồn tin tức: Tuổi trẻ Online

 
backtop
Dịch vụ
Kinh doanh
Phụ tùng
Hotline
Hotline